Trung Quốc: “Luật ngầm” trong xây dựng
|
Dùng tiền bịt miệng người đưa hối lộ, quan tham khóc tại tòa. Xây dựng là ngành có tỷ lệ phát sinh tội phạm chức vụ rất cao.
Nguyên nhân do ngành xây dựng có lợi nhuận cao, thủ đoạn hối lộ đa dạng, có nhiều mắt xích có thể hình thành quy tắc ngầm hối lộ. Hai trường hợp của Trương Kiến Huy và Phạm Phương Hoa là ví dụ tiêu biểu.
150 lần nhận hối lộ
Cuối những năm 1990, Trương Kiến Huy được bổ nhiệm giữ chức phó cục trưởng Cục Công viên cây xanh TP Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây). Thời kỳ này, Nam Ninh đang thực hiện chiến dịch xanh hóa thành phố nên Huy gặp thời phát lên luôn.
Trương Kiến Huy lần lượt giữ các chức vụ cục trưởng Cục Thủy lợi, tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển xây dựng đập Ung Giang, cục trưởng Cục Quản lý ngành phục vụ công cộng TP Nam Ninh. Tiếc thay, năng lực và địa vị càng lớn, Huy càng vướng nhiều cám dỗ.
Lần nhận hối lộ đầu tiên của Huy xảy ra vào tháng 5-2000. Đến khi bị bắt vào giữa năm 2007, trong thời gian bảy năm, Huy đã nhận hối lộ tổng cộng 150 lần. Lần nhiều nhất 5,6 triệu nhân dân tệ (12,32 tỷ đồng VN). Năm 2000, tiền nhận hối lộ trong năm tổng cộng 780.000 nhân dân tệ (hơn 1,7 tỷ đồng VN). Đến năm 2007, doanh thu nhận hối lộ đã lên đến 31 triệu nhân dân tệ (68,2 tỷ đồng VN).
Cuối tháng 7 mới rồi, Tòa án trung cấp TP Nam Ninh đã mở phiên tòa xét xử Trương Kiến Huy. Trước đó vài năm, Huy đã phân tán tiền nhận hối lộ bằng cách dùng tên giả gửi vào nhiều ngân hàng. Huy cẩn thận đến mức không hề hé răng nói với vợ chuyện giao dịch với các nhà thầu.
Chân tướng của thủ đoạn
Sau khi vụ án Trương Kiến Huy vỡ lở, VKS TP Nam Ninh tập trung nghiên cứu và phát hiện vi phạm trong chuyển nhượng tư cách xây dựng công trình là hiện tượng rất phổ biến.
Theo điều tra, trong bảy năm, tổng cộng có 23 nhà thầu hối lộ cho Huy. Trong số đó có bảy người hối lộ mỗi người trên một triệu nhân dân tệ (2,2 tỷ đồng VN), hơn 50% hối lộ hơn năm lần, người nhiều nhất 15 lần.
Nhận hối lộ trở thành thói quen được Trương Kiến Huy và các nhà thầu ngầm thỏa thuận với nhau. Tiền hối lộ 3%-5% tổng giá trị công trình. Từ khâu mời thầu, giám sát công trình đến phê duyệt cấp phát tiền cho công trình, mắt xích nào Huy cũng có thể ăn hối lộ. Huy cũng ăn hối lộ ở bất kỳ công trình nào.
Điều đáng nói là toàn bộ nhà thầu đều không có tư cách pháp nhân xây dựng công trình mà toàn mượn danh các doanh nghiệp lớn, bởi vậy họ phải lót tay cho Huy.
Quan tham thành bị hại
Trong quy tắc ngầm giữa người nhận hối lộ và chủ thầu, trớ trêu thay cũng có trường hợp người có quyền bị mắc bẫy.
Năm 2005, Cục Vệ sinh môi trường khu Du Trung (TP Trùng Khánh) thực hiện chế độ phân tách doanh nghiệp và cơ quan hành chính theo hình thức “hai đơn vị một ban lãnh đạo”.
Phạm Phương Hoa khi đó mới 33 tuổi được điều động về làm phó tổng giám đốc hai công ty về xây dựng công trình môi trường y tế và kinh doanh vật tư môi trường y tế. Hoa bắt đầu mở rộng quan hệ với các chủ thầu, trong đó có Vương Vệ Long.
Vương Vệ Long thỏa thuận mỗi lần trúng thầu sẽ trích 20% tổng giá trị công trình cho Hoa. Tổng cộng Long trúng thầu 15 công trình, bù lại Hoa nhận được 285.000 nhân dân tệ (712,5 triệu đồng VN).
Tháng 10-2006, Cục Vệ sinh môi trường TP Trùng Khánh thống nhất tổ chức đấu thầu các công trình vệ sinh môi trường. Phạm Phương Hoa được điều sang phụ trách Sở Vệ sinh môi trường khu Du Trung. Nhân cơ hội này, Hoa cắt đứt hợp tác với Long.
Vương Vệ Long không nói không rằng chìa ra băng ghi âm và dọa sẽ giao nộp chứng cứ cho Ủy ban Kiểm tra kỷ luật. Hoa tái mặt, suy đi tính lại bèn hối lộ lại Long 400.000 nhân dân tệ (một tỷ đồng VN) gọi là “phí giữ mồm”. Hai người làm giấy cam kết giữ bí mật.
Giấy không bọc được lửa, cuối năm 2007, một bức thư nặc danh tố cáo Hoa. Do chưa tìm được bằng chứng, cơ quan chức năng quyết định nói chuyện trước với Hoa để tìm hiểu tình hình, nào dè Hoa khai hết. Theo lời khai, Hoa phải vay mượn đồng nghiệp, bạn học và người thân để trả lại tiền nhận hối lộ cho Long. Sau đó để bù lỗ, Hoa lại tiếp tục nhận hối lộ của các nhà thầu khác.
Phạm Phương Hoa ra tòa hồi cuối tháng 8. Đến ngày 30-9 tới, Vương Vệ Long cũng sẽ ra tòa về tội hối lộ và tội lừa đảo. Trong phiên tòa, Hoa đã khóc mà rằng: “Thật tình, tôi chỉ là người bị hại...”.
Quy tắc ngầm giữa Trương Kiến Huy và các nhà thầu là liên minh lợi ích trong giao dịch trực tiếp quyền-tiền. Quy tắc ngầm này không có thủ tục rườm rà và rất sòng phẳng. Nếu vì nguyên nhân nào đó không đáp ứng được yêu cầu của nhà thầu, Huy sẵn sàng trả lại một phần tiền hối lộ. Ví dụ năm 2000 và năm 2003, sau khi hai nhà thầu họ Liêu và họ Trần không được trúng thầu, Huy sẵn sàng trả lại cho mỗi người 100.000 nhân dân tệ (220 triệu đồng VN). |
No comments:
Post a Comment