Thursday, July 31, 2008

TODAY NEWS

Giá vật tư tăng: Hàng loạt công trình thi công cầm chừng

Do trượt giá quá cao, công trình thi công đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) phải thi công cầm chừng để chờ bù giá - Ảnh: N.C.T.

TT - Cách đây bốn tháng, các cơ quan thẩm quyền đã có văn bản hướng dẫn bù trượt giá cho các công trình. Thế nhưng đến nay các nhà thầu vẫn chưa nhận được tiền bù giá, khiến không ít công trình trên địa bàn TP.HCM rơi vào tình trạng thi công cầm chừng.

Công trình nâng cấp và mở rộng đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) lẽ ra hoàn thành vào tháng 8-2007 nhưng đến nay vẫn còn dang dở: chưa trải bêtông nhựa lớp hai và chưa hoàn chỉnh vỉa hè. Một cán bộ của nhà thầu công trình này nói: "Chủ đầu tư dự án đã động viên hứa hẹn điều chỉnh giá nhưng thực tế chưa có tiền trợ giá nên chúng tôi phải tạm ngừng thi công, làm tiếp sẽ lỗ tiền tỉ”.

Làm tiếp sẽ lỗ

Các công trình thi công hầm chui Linh Trung (Thủ Đức), đường Mã Lò (Q.Bình Tân), đường Phan Văn Hớn (Q.12) cùng đang... chậm rãi thi công. Ông Phạm Quang Đức - phó giám đốc Công ty Công trình giao thông công chính TP (nhà thầu thi công) - cho biết: "Chúng tôi đang thi công cầm chừng vì giá vật tư tăng cao quá, trong khi tiền trượt giá đến nay vẫn chưa thấy đâu". Cũng theo ông Đức, cầu Long Kiểng (Nhà Bè) đấu thầu năm 2004 với giá 21,7 tỉ đồng, công trình thi công đình trệ vì vướng đền bù giải tỏa; tới cuối năm 2007 khi tính toán lại giá công trình tăng lên 64 tỉ đồng, với giá cả tăng vọt như vậy, không nhà thầu nào dám làm.

Bốn chiếc cầu trên đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ) thi công ì ạch cũng vì giá vật tư tăng quá cao. Giám đốc Công ty Quản lý cầu phà TP (chủ đầu tư dự án) cho biết đã "năn nỉ” các nhà thầu sớm hoàn thành công trình nhưng các nhà thầu lắc đầu "lỗ quá làm sao làm!". Trong đó, tệ nhất là cầu An Nghĩa đã thi công được 40% khối lượng, nhà thầu xin tạm dừng thi công vì không chịu nổi lỗ.

Nay cầu An Nghĩa vừa được chuyển về chủ đầu tư mới là Khu Quản lý giao thông đô thị (QLGTĐT) số 4, ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu QLGTĐT số 4 - nói đang đề nghị UBND TP cho phép thanh toán khối lượng công trình đã thi công. Phần việc còn lại sẽ lập dự toán mới và xin chỉ định một nhà thầu có đủ năng lực để đảm bảo tiến độ hoàn thành vào quý 2-2009.

* Ngày 30-7, ông Mạc Đăng Nớp - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (chủ đầu tư dự án cầu Phú Mỹ) - cho biết các nhà thầu thi công ba dự án làm đường nối vào cầu Phú Mỹ gồm nút giao thông khu A, đường nối từ Nguyễn Văn Linh vào cầu Phú Mỹ (Q.7) và đường vành đai phía đông (từ cầu Phú Mỹ đến xa lộ Hà Nội) sẽ tạm ngừng thi công nếu trong tháng 8-2008 không được tính trượt giá vật tư, xăng dầu tăng.

Cũng theo ông Mạc Đăng Nớp, ba dự án này được đầu tư theo phương thức BT và đấu thầu trọn gói với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng. Đến nay công trình đã thi công được 20% khối lượng, do giá vật tư tăng cao và nhất là giá sắt từ 8,5 triệu đồng/tấn nay tăng lên hơn 22 triệu đồng/tấn nên nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn. Nếu ba dự án trên không hoàn thành đúng tiến độ thì dự án cầu Phú Mỹ sẽ không thể thông xe cuối năm 2009.

Lúng túng tính bù trượt giá

Theo các nhà thầu thi công các công trình, đến nay toàn TP chưa có công trình nào được bù trượt giá dù cách đây bốn tháng, các cơ quan thẩm quyền đã ban hành văn bản hướng dẫn tính trượt giá cho các công trình đấu thầu trọn gói hoặc đấu thầu có điều chỉnh giá. Do tính trượt giá chậm nên nhiều công trình sẽ không hoàn thành đúng tiến độ. Riêng công trình cầu đường Nguyễn Văn Cừ có thể hoàn thành đúng tiến độ do được UBND TP tạm ứng 55 tỉ đồng để chi cho các nhà thầu.

Vì sao vẫn chưa tính trượt giá cho các công trình? Lãnh đạo các khu QLGTĐT số 1, 2, 3 và 4 cho biết khó khăn nhất là một công trình có nhiều gói thầu và trong một gói thầu có một mặt hàng như sắt có nhiều giá khác nhau. Trong khi đó, các cơ quan thẩm quyền quy định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm tính trượt giá vật tư nhưng không quy định cơ sở nào để tính trượt giá.

Nhiều chủ đầu tư dự án tâm sự: "Vì chưa có quy định nên chúng tôi lo sau này các cơ quan thanh tra có thể đặt vấn đề: vì sao một công trình có nhiều giá khác nhau hoặc vì sao giá cao hơn so với thông báo giá của liên sở Tài chính - Xây dựng?".

Theo lãnh đạo Khu QLGTĐT số 1 và 3, hiện nay mỗi đơn vị đang chọn một gói thầu làm mẫu để tính trượt giá. Theo đó, ban quản lý dự án của đơn vị sẽ tìm một "công thức" tính bù trượt giá cho gói thầu thi công. Với tình hình này cho thấy các đơn vị vẫn lúng túng và loay hoay tính bù trượt giá cho các công trình.

Nên thông báo giá từng tháng

Theo ông Lê Hoàng Hà - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư khu vực Q.Gò Vấp, từ cuối năm ngoái đến nay tình hình trượt giá tăng nhiều đợt, nhưng liên sở Tài chính - Xây dựng lại ban hành thông báo giá vật tư xây dựng theo từng quý là lạc hậu với thị trường. Ông Hà cho rằng các cơ quan chức năng cần ban hành thông báo giá theo từng tháng mới phù hợp và giúp các chủ đầu tư dự án tính toán đúng với nhà thầu.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Thành Nam - giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông 9 - cho rằng nếu giải quyết bài toán trượt giá chậm thì công trình thi công càng thêm chậm, đơn vị ông đã hợp đồng với cơ quan thẩm định giá của Bộ Tài chính nhằm xác định giá cả thị trường tại từng thời điểm để tính bù trượt giá cho nhà thầu.

"Áp dụng thông báo trượt giá hằng tháng của Tổng cục Thống kê là thuận lợi nhất" - ông Lê Quyết Thắng đề nghị. Ông Thắng cho rằng vì đây là cơ sở pháp lý để các chủ đầu tư làm thủ tục đơn giản tính bù trượt giá cho nhà thầu. Hơn nữa, thực hiện theo thông báo trượt giá của Tổng cục Thống kê, các bên sẽ chịu trách nhiệm rõ ràng và sòng phẳng.

NGỌC ẨN

No comments: