Làm sao “buýt” nổi?
Buýt bị tắc đường, làm học sinh trễ học, làm sao các em dám “buýt”? (Ảnh: Trần Việt Đức) |
“Phải giật cháu dậy từ sáng sớm, chực chờ xe buýt có khi mất gần ba mươi phút. Cuối cùng, cháu cũng bị trễ học mấy lần, tôi “buýt” được ba tháng, thì thôi, không đi nữa”.
Đó là tâm sự của chị Ngọc nhà ở đường Phan Văn Trị – Gò Vấp, làm việc ở quận 3, có con học trường THCS Colette gần đó. Nếu sử dụng xe buýt, mỗi ngày mẹ con chị phải đi hai chặng xe buýt.
Tương tự, Ngọc Lan học lớp 11 trường THPT Võ Thị Sáu nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, cho biết, từ nhà em đến trường khoảng 7km, Lan phải đón chuyến xe buýt lúc 6h. “Sau khi xảy ra “đào đường”, ba em phải bỏ dở việc buôn bán để chở em đi học. Hôm nào bận, đi xem ôm tốn mất hai chục ngàn đồng cho hai lượt đi về”, Lan nói.
Cắt giảm tuyến vì không hiệu quả
Theo sở Giao thông vận tải TP.HCM, năm học 2005 – 2006, thành phố có 90 trường, với gần 20.000 học sinh (sáu triệu lượt) sử dụng xe buýt đi học; năm học 2006 – 2007 đã tăng lên 110 trường, với gần 24.000 học sinh (bảy triệu lượt) sử dụng xe buýt. Năm học 2007 – 2008, thành phố tiếp tục đưa ra mức trợ giá đối với học sinh, sinh viên đi xe buýt đưa rước theo hợp đồng là 2.830 đồng/lượt/học sinh. Học sinh ở huyện xa như Cần Giờ được trợ giá cao hơn: 3.537 đồng/lượt.
Tuy vậy, số học sinh sử dụng xe đưa rước vẫn còn quá nhỏ so với số lượng học sinh, sinh viên toàn thành phố. Nhiều trường lại đang có xu hướng thu hẹp số lượng hợp đồng thuê xe đưa rước học sinh vì phí đã tăng cao do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng.
Trong khi đó, hàng chục tuyến xe buýt chuyên phục vụ học sinh, sinh viên đã lần lượt bị ngưng hoạt động trong hai năm 2006 – 2007 do đơn vị vận tải xe buýt kinh doanh kém hiệu quả. Theo công ty TNHH xe khách Sài Gòn, công ty hiện còn ba tuyến xe buýt nhanh có trợ giá cho sinh viên, học sinh, nhưng với mức trợ giá như hiện tại (từ 50 – 65% trên tổng chi phí), công ty đang chịu lỗ nặng.
Lý giải về điều này, ông Lê Hải Phong, phó giám đốc trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, việc cho ngừng hoạt động các tuyến đưa rước học sinh, sinh viên nhằm tiết giảm được nguồn ngân sách trợ giá của thành phố. Con số tiết giảm do việc ngừng các tuyến buýt trên của năm 2006 là 9,8 tỉ đồng. Việc làm này, đã kéo mức Nhà nước trợ giá vận chuyển học sinh, sinh viên, công nhân năm 2007 xuống còn 31,8 tỉ đồng (giảm 6,4%). Số lượng học sinh, sinh viên, công nhân được trợ giá xe buýt cũng giảm 1,3%, tương đương khoảng 190.000 lượt hành khách.
Đâu là giải pháp?
Để sử dụng xe buýt cho nhu cầu đi học, học sinh, sinh viên thành phố đang sử dụng ba loại vé tháng gồm: loại vé đi một tuyến – mức giá 50.000 đồng/tháng; đi hai tuyến: 76.000 đồng/tháng và đi liên tuyến: 88.000 đồng/tháng. Vì nếu mua vé tháng để đi học mỗi ngày, học sinh, sinh viên sẽ có lợi do Nhà nước đã có hỗ trợ giá xe buýt. Cụ thể như giá vé xe buýt của hành khách đi một lượt bình quân khoảng 3.000 đồng, nếu cộng thêm mức trợ giá bình quân là 1.721 đồng/lượt hành khách, thì ước tính chi phí thực tế của ba loại vé tháng trên phải là 188.840 đồng; 377.680 đồng và 566.520 đồng.
Do đó, để rút ngắn khoảng chênh lệch đó, tức là làm giảm tỷ lệ trợ giá/chi phí, chỉ có cách duy nhất là làm tăng số lượng học sinh, sinh viên di chuyển bằng xe buýt. Còn việc cho tăng giá tiền mua loại vé tháng lên, sẽ làm cho học sinh từ bỏ việc sử dụng phương tiện xe buýt để đi học.
Học sinh, sinh viên sẵn sàng sử dụng xe buýt để đi học ngày càng nhiều hơn trong thời gian tới, nếu như ngành giao thông vận tải thành phố sớm chấn chỉnh cung cách phục vụ, nâng cao tinh thần thái độ lịch sự, văn minh của các lái xe, tiếp viên xe buýt đối với hành khách.
Thực tế trong nhiều năm qua, ngành giao thông vận tải chưa khắc phục được tình trạng các lái xe, tiếp viên xe buýt “làm lơ” không chịu ghé vào trạm để đón những “thượng đế” quen mặt, thường sử dụng vé tháng để “buýt”. Liệu các đơn vị xe buýt có bảo đảm thực hiện nghiêm túc chạy theo biểu đồ vận hành (đi và đến đúng giờ theo quy định) hay không khi mà, trên địa bàn TP.HCM hiện còn chằng chịt những “lô cốt” công trình đào đường, với ngổn ngang đất đá, hố đào loang lổ hình “da beo”? Khắc phục sớm được những tồn tại này, xe buýt ở thành phố sẽ lên ngôi, và mọi người sẽ đồng lòng: “Nào ta cùng… buýt!”
No comments:
Post a Comment