Wednesday, August 20, 2008

TODAY NEWS

Australia: Học sinh được gọi điện cho bạn khi làm bài thi

Ảnh minh họa Inmagine.

Khái niệm "gian lận" trong thi cử đang được một ngôi trường dành cho nữ sinh ở Sydney định nghĩa lại, khi mà học sinh ở đây được phép gọi điện cho bạn, sử dụng Internet và i-Pod trong thời gian làm bài kiểm tra.

Trường Prebyterian Ladies’ College đang thử nghiệm phương pháp kiểm tra đánh giá mới này với các học sinh lớp 9 trong môn tiếng Anh và sắp tới sẽ mở rộng ra tất cả các môn vào cuối năm nay.

Dierdre Coleman, một giáo viên tiếng Anh phụ trách khối lớp 7 đến lớp 9 cho biết theo cách thi mới này, học sinh của cô được khuyến khích truy cập Internet để tìm kiếm thông tin, hoặc tìm thông tin từ bạn bè thông qua việc gọi điện để hoàn thành các bài thi trong 40 phút.

Tuy nhiên, để tránh hiện tượng sao chép nguyên văn, tất cả thông tin đều phải ghi rõ nguồn gốc để đối chiếu. Điều này đòi hỏi học sinh phải biết cách xử lý thông tin một cách khoa học nhất.

“Để chuẩn bị cho các em bước ra thế giới, chúng ta cần định nghĩa lại khái niệm truyền thống gian lận trong thi cử”, cô Coleman nói: “Trong cuộc sống hàng ngày, học sinh sẽ chẳng bao giờ cần phải cất giữ một lượng lớn thông tin mang tính thuộc lòng trong đầu. Điều cần làm là tìm thông tin đó từ các nguồn một cách nhanh và hiệu quả nhất, và thẩm định độ tin cậy của thông tin.”

Emily Waight, một học sinh lớp 9, tỏ ra rất thích thú với hình thức thi này: “Ban đầu em hơi ngần ngại vì không biết mình sẽ làm gì với Internet. Nhưng sau 2 lần em thấy nó thực sự rất hữu dụng để tìm ra câu trả lời chính xác cho các câu hỏi thi.”

Còn Annie Achie, 15 tuổi, thì cho rằng “Gọi điện cho bạn bè thực sự giúp em rất nhiều. Điều quan trọng là bạn cần có ai đó để trao đổi và khẳng định thông tin hay đi đến một quyết định nào đó. Em đã gọi điện cho dì của mình và hỏi về Olympics.”

Hiệu trưởng William McKeith là người đưa ra ý tưởng này và quyết tâm thử nghiệm. Ông cũng là người chủ trương mở rộng việc thi cử có sử dụng sách tham khảo sang sử dụng công nghệ. “Tôi cho rằng việc tìm thông tin và xử lý thông tin chính xác quan trọng hơn nhiều so với việc lưu giữ một lượng thông tin khổng lồ trong đầu, rồi sau đó là quên hết”.

Theo Gia Đình

No comments: